Hệ thống tàu điện ấn tượng nhất thế giới
Hệ thống tàu điện không chỉ giúp giảm ùn tắc giao thông, mà còn mang ý nghĩa lịch sử của mỗi thành phố, trở thành điểm thu hút du khách.
Hệ thống tàu điện ngầm London (Anh): Hàng ngày, hơn 4 triệu cư dân và du khách tại London dựa vào phương tiện này để di chuyển. Mặc dù được biết đến với tên gọi "hệ thống ngầm", thực tế có đến 55% của hệ thống này là tàu điện nổi trên mặt đất. Ngoài việc phục vụ London, tàu còn mở rộng ra các khu vực lân cận như Essex, Hertfordshire và Buckinghamshire. Đây không chỉ là biểu tượng văn hóa quốc tế, mà còn là một kỳ tích về kiến trúc và thiết kế giao thông trong hơn một thế kỷ qua.
Tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc): Hệ thống này bao gồm 27 tuyến với hơn 490 trạm và ghi nhận hơn 10 triệu chuyến đi mỗi ngày (trước đại dịch Covid-19). Mặc dù có 6 tuyến hoàn toàn tự động, hệ thống vẫn đang đối mặt với tình trạng quá tải do lượng hành khách lớn. Bắc Kinh đang triển khai mở rộng hệ thống lên đến 1.000 km, dự kiến phục vụ 18,5 triệu chuyến đi mỗi ngày vào năm 2025. Để giảm ùn tắc giao thông, thành phố cũng đặt mục tiêu đạt 60% tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng vào năm 2025, trong đó có 62% chuyến đi liên quan đến tàu điện ngầm.
Tàu điện ngầm Copenhagen (Đan Mạch): Với 39 trạm, tàu hoạt động liên tục 24/7, vận chuyển hơn một tỷ hành khách từ năm 2002. Được đánh giá cao bởi thiết kế đơn giản và bắt mắt, hệ thống tạo ra một môi trường thư giãn đặc biệt. Hơn 300.000 người mỗi ngày sử dụng các tàu "M" để kết nối với các phương tiện giao thông khác tại Copenhagen.
Hệ thống tàu điện Paris (Pháp): Với 308 trạm trên 16 tuyến tàu trong phạm vi hầu hết ở bên trong ranh giới thành phố, chuyến tàu tạo ra bức tranh đặc sắc của thành phố từ năm 1900. Tàu không chỉ là phương tiện giao thông, mà còn là một phần không thể thiếu của văn hóa thành phố, kết nối các điểm du lịch và nghệ thuật. Kiến trúc đặc trưng như mái hiên art nouveau của Hector Guimard hay các trạm với phong cách steampunk, brutalist tạo nên sự tương phản độc đáo. Paris đang đầu tư hàng tỷ USD vào phát triển hệ thống tàu ngầm mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhưng vẫn giữ lại chiếc tàu cổ điển mang đậm nét đặc trưng.
Tàu điện Tokyo (Nhật Bản): Hệ thống tàu này bao gồm Tokyo Metro và Toei Subway, với tổng cộng 13 tuyến và 286 trạm, hoạt động liên tục từ sáng sớm đến khuya với tần suất cao. Tuy nhiên, do lượng hành khách quá đông, nhiều trạm phải sử dụng người "đẩy tàu" (nhân viên hỗ trợ) để đảm bảo mọi người đều lên được tàu. Du khách có thể gặp khó khăn khi sử dụng tàu điện ngầm Tokyo, nhưng có thể dễ dàng tìm đường nhờ bảng chỉ dẫn đa ngôn ngữ. Hơn nữa, du khách có thể thưởng thức những giai điệu độc đáo được phát qua loa tại một số trạm, tạo nên nét đặc trưng của tàu điện ngầm Tokyo.
Hệ thống tàu điện ngầm Seoul (Hàn Quốc): Từ khi mở cửa vào năm 1974, tàu điện ngầm này trở thành bảng trưng bày cho công nghệ Hàn Quốc. Với 9 tuyến tàu và tổng chiều dài 312 km, mỗi ngày tàu vận chuyển 7 triệu hành khách. Hành khách có thể lướt internet và thực hiện cuộc gọi điện thoại mà không bị gián đoạn, thậm chí khi ở dưới lòng đất. Hệ thống tàu điện ngầm Seoul không chỉ sạch sẽ, hiệu quả, an toàn, mà còn phục vụ rộng rãi các khu vực của thành phố.
Tàu điện thành phố New York (Mỹ): Với chiều dài 1.070 km, 25 tuyến và 472 trạm, đây là hệ thống đường sắt ngầm lớn và bận rộn nhất Bắc Mỹ. Mỗi ngày, tàu phục vụ hơn 3,5 triệu hành khách, đi qua tất cả 5 quận của thành phố. Mặc dù được gọi là "ngầm", nhiều phần của hệ thống chạy trên mặt đất, thường là trên các cầu thép nặng nề. Với giá vé hiện tại là 2,9 USD, đây là lựa chọn tiết kiệm chi phí nhất để di chuyển xung quanh thành phố.
>> xem thêm: Cẩm nang du lịch